Tây xưởng Xưởng vệ

Tây xưởng (西廠), tên đầy đủ Tây tập sự xưởng (西緝事廠) được thành lập năm Thành Hóa thứ 12 (1476) thời Minh Hiến Tông. Sau vụ án nghi làm phản của đạo sĩ Lý Tử Long, Minh Hiến Tông không tin vào năng lực của Đông xưởng nên ra lệnh cho hoạn quan Uông Trực thành lập một tổ chức giám sát mới lấy tên Tây xưởng với các thành viên được tuyển lựa từ Cẩm y vệ. Năm Thành Hóa thứ 18 (1482), biết tin Uông Trực lạm dụng quyền lực, Minh Hiến Tông ra lệnh phế bỏ Tây xưởng. Đến thời Minh Vũ Tông vì chuyện đàn áp đại thần chống đối nên lại cho lập lại Tây xưởng.

Nhiệm vụ chính của Tây xưởng là giám sát các phát ngôn của dân chúng, từ đó bắt giam, tra tấn những người nghi ngờ chống đối triều đình. Uông Trực lợi dụng quyền lực này của Tây xưởng đã hoành hành bá đạo, buộc các nghi phạm phải bỏ tiền để không bị Tây xưởng xét xử, vì vậy đã tạo nên nhiều vụ án oan lớn.